Huyền Vũ vốn là chòm sao phương Bắc gồm Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích, tượng con rùa đen.
Huyền Vũ là thần Thái âm phương Bắc, có hình con rùa. Vì ở phương Bắc nên gọi là Huyền, thân có vảy, mai rùa nên có tên là Vũ. Đó là gò núi ở đằng sau huyệt mộ.
Các nhà phong thuỷ cho rằng, Huyền vũ nên cúi đầu phủ phục. Thế núi hướng về mộ là cát. Quách Phác trong Táng như chú thích: “Huyền vũ cúi đầu”. Cúi đầu có nghĩa là từ núi chính dần dần đi xuống. Nước chảy không đến, đặt mộ tại đây là an. Nếu nước chảy xối xả, đứng không vững là “đất hộc tả”.
Sách Tinh hoa tuỷ nói: “Núi ngủ có thể ở, nước minh đường tự an”. Về dương trạch, người dân có thể dựng nhà để ở; âm trạch, nước chảy đến tâm minh đường thì mộ yên.
Huyền vũ phải bái triều, nhu thuận, bao bọc huyệt mộ, hữu tình. Nếu gò Huyền vũ nhô đầu là vô tình, hung địa. Sau mộ không có gò núi gọi là “vô Huyền vũ”. Như vậy, trước sau đều bị gió xuyên, không có núi che chắn, huyệt mộ không tụ khí. Điều này cũng được phắc đến ở chương Thập tiện trong Cửu ca: “Lục tiện, tiền hậu xuyên phong” chỉ gò Chu tước, Huyền vũ thấp hoặc không có, gió xuyên mộ, khí long mạch tiêu tán.
Khi Huyền vũ nhô đầu, nhô thân gọi là “núi đoạn đầu” hay “Huyền vũ giấu đầu”, chỉ long mạch đã tận. Không nên táng tại đất này. Sách Táng thư cũng nói: “Khí di chuyển trong đất, nhân thế đất mà tụ, nhân thế đất mà dừng”. Thế núi nhô đầu mạch không dừng tức mạch đã tận. Thế nhô đầu không thuần phục, cự lại không theo là đại hung.
Núi gò Huyền vũ không cúi đầu, nhô thân mà không thấy đầu gọi là “núi đoạn đầu” hay “Huyền Vũ giấu đầu” cũng không cát.